SUY NIỆM LỜI CHÚA CN XV TN B: ĐƯỢC SAI ĐI

แชร์
ฝัง
  • เผยแพร่เมื่อ 4 พ.ย. 2024
  • CHÚA NHẬT XV TN B
    (Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13)
    ĐƯỢC SAI ĐI
    Phụng vụ Lời Chúa, Chúa nhật thứ XV mùa thường niên hôm nay tập trung vào chủ đề được sai đi. Được sai đi là sứ mạng căn bản của Giáo hội. Sứ mạng ấy được đặt nền trên sứ mạng được sai đi của Đức Giêsu. Ngài tiếp tục sai các tông đồ, sai mỗi người chúng ta ra đi làm chứng cho tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa.
    1. Đức Giêsu được sai đi
    Mọi sứ mạng được sai đi, từ Cựu Ước đến Tân Ước, đều phải quy hướng về sứ mạng được sai đi của Đức Giêsu.
    Đáp lời Chúa Cha: “Này Con xin đến” (Tv 40,8), nên Đức Giêsu được sai xuống trần gian để giao hoà thế gian với Thiên Chúa, để nối kết giữa trời với đất, để tẩy xoá tội lỗi cho nhân loại và giúp cho con người nhận ra được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa qua công trình cứu chuộc của Ngài.
    Trong thư gửi tín hữu Ep, chúng ta nghe trong bài đọc II, thánh Phaolô đã ca tụng Thiên Chúa rằng: “Trong Đức Ki-tô,…Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (c.3). Ân phúc ấy chính là máu châu báu của Đức Giêsu đổ ra để thanh tẩy chúng ta sạch tội lỗi (x. Ep 1,7). Đó là thiên ý nhiệm mầu, là kế hoạch yêu thương được thực hiện nơi Đức Giêsu (x. Ep 1,9).
    Đức Giêsu đã hết mình với sứ mạng Chúa Cha trao phó. Ngài tiếp tục sai các tông đồ và sai mỗi người chúng ta ra đi để tiếp nối sứ mạng của Ngài ở trần gian (x.Ga 20,21).
    2. Các tông đồ, các ngôn sứ được sai đi
    Trong Sách Thánh, Chúa đã sai các tông đồ và ngôn sứ.
    Hôm nay, Chúa Giêsu sai các tông đồ từng hai người một ra đi làm chứng cho Tin Mừng, bằng cách “kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (c.12); chứng thực lời kêu gọi đó bằng việc trừ quỷ và chữa bệnh. “Tông đồ”, nghĩa là được sai đi.
    Họ được sai đi gần như là tay trắng, không có nhiều thứ để phòng thân. Sai họ đi thế, Chúa muốn họ hoàn toàn dựa vào quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, chứ không dựa vào sức riêng mình hay bất cứ thứ gì khác.
    Chúa sai từng hai người một với mục đích là người được sai đi cần có bạn đồng hành để nâng đỡ và bảo vệ nhau. Đông thời, đi từng hai người một còn nhằm mục đích: lời chứng của 2 người thì mới xác thực (x. Đnl 19,15). Điều ấy cũng cho thấy tính cộng đoàn của việc được sai đi. Chúng ta không nhân danh mình để làm chứng, nhưng là nhân danh toàn thể Giáo hội.
    Ngôn sứ Amốt, trong bài đọc I, cũng được Thiên Chúa gọi và sai đi. Khi lãnh nhận sứ mạng từ nơi Chúa, ông bất chấp mọi khó khăn và cả việc chống đối khi “tuyên sấm cho nhà Ít-ra-en” như lệnh Chúa truyền.
    Ơn gọi được sai đi là như thế đó.
    3. Người tín hữu được sai đi
    Kính thưa cộng đoàn, mỗi người tín hữu chúng ta cũng mang trong mình sứ mạng được sai đi đó ngay từ khi chúng ta lãnh nhật bí tích Thánh Tẩy. Sứ mạng ngôn sứ mà chúng ta lãnh nhận khi chịu phép rửa tội chính là sứ mạng được sai đi làm chứng nhân cho Chúa ở giữa cuộc đời.
    Giáo hội không ngừng nhắc nhớ chúng ta về sứ mạng đó mỗi ngày. Mỗi khi kết thúc thánh lễ, linh mục chúc cho cộng đoàn: “lễ xong chúc anh chị em đi bình an”. Đi bình an đây không phải là để chúng ta đi về nhà được an toàn, nhưng là lời mời gọi chúng ta lên đường, gặp gỡ, sẻ chia, để mang niềm vui và bình an của Chúa đến cho mọi người. Đó là lời mời gọi chúng ta sống Tin Mừng ở giữa cuộc đời.
    Khi nói về sứ mạng được sai đi này, ĐGH Phanxicô, trong tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, ngài dùng từ “đi ra”: ra khỏi chính mình, ra khỏi những nơi an toàn, tiện nghi thì mới có thể thi hành sứ mạng Chúa trao. Ngài còn nói mạnh mẽ hơn nữa về sứ mạng “đi ra” này của Giáo hội như sau: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (49). Chỉ có đi ra chúng ta mới có thể gặp gỡ và sẻ chia, mới có thể làm cho người khác nhận biết Chúa và ơn cứu độ của Ngài.
    Kính thưa cộng đoàn, để thi hành sứ mạng ra đi làm chứng ấy ta cần đến lời rao giảng. Nhiều người sẽ nói rằng tôi chẳng có khả năng ăn nói làm sao mà rao giảng? Thực ra, lời giảng mới chỉ là một phần của sứ mạng. Chúng ta cò cần thực hiện sứ mạng được sai đi này qua chính chứng tá cuộc sống hằng ngày của mình. Người ta vẫn nói: lời nói lung lay, gương lành mới lôi kéo. Khi người tín hữu sống mến thương, thân thiện, bao dung, tha thứ, độ lượng…là chúng ta đang trở nên chứng từ tuyệt vời về Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa giữa cuộc sống này.
    Xin Chúa chúc lành cho sứ mạng của mỗi người chúng ta. Amen.

ความคิดเห็น •